25 Th12 Cao su trở lại đường đua tăng giá, dự báo sẽ không sớm hạ nhiệt
Giá cao su đã quay đầu tăng lên cao nhất trong hơn 3 tháng gần đây nhờ các yếu tố thuận lợi về nhu cầu, nguồn cung và tác động của giá dầu.
Giá cao su tăng lên mức cao nhất trong ba tháng
Những tháng đầu năm 2021, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt tăng cao do nhu cầu tăng và thị trường kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế thế giới sau đợt dịch năm 2020.
Tuy nhiên, sau đó liên tục sụt giảm do tình trạng thiếu container vận chuyển và các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan phải đối mặt với tình trạng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 gia tăng, làm giảm sự kỳ vọng vào sự hồi phục kinh tế của khu vực.
Đến đầu tháng 10, đà sụt giảm của cao su đã có sự quay đầu rõ rệt và đang duy trì đà hồi phục.
Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su tại thời điểm khảo sát vào lúc ngày 15h30 21/10 (giờ Việt Nam) giao kỳ hạn tháng 10/2021 ghi nhận mức gần 225 yen/kg, tăng 41 yen/kg, tương đương gần 23% so với mức đáy gần nhất hồi đầu tháng 9.
Diễn biến giao dịch của giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) (ĐVT: JPY/kg). (Nguồn: Trading Economics)
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 11/2021 được điều chỉnh lên mức 14.195 nhân dân tệ/tấn, tăng 200 nhân dân tệ, tương đương 1,43% so với giao dịch trước đó.
Nguyên nhân đảo chiều của cao su được cho là do giá dầu tăng cao. Bởi giá dầu và giá cao su thiên nhiên thường có mối quan hệ thuận chiều. Theo đó, giá dầu đi lên kéo theo giá cao su tổng hợp tăng, bởi dầu thô là nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp, đồng thời kéo theo giá cao su thiên nhiên có diễn biến tích cực.
Ghi nhận về diễn biến giá dầu, ngày 21/10, giá dầu Brent (được xem là tiêu chuẩn cho giá dầu thế giới) đạt gần 86 USD/thùng, tăng hơn 67,8% so với đầu năm.
Theo Reuters, giá dầu thô chốt phiên giao dịch ngày 20/10 tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, phục hồi từ đợt giảm đầu phiên sau khi tồn kho dầu thô Mỹ bất ngờ giảm và dự trữ tại kho lưu trữ lớn nhất của quốc gia này chạm mức thấp nhất trong ba năm.
Yếu tố chính thúc đẩy đà tăng của giá dầu thô là do nguồn cung thắt chặt, cùng với việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) duy trì kế hoạch tăng dần nguồn cung thay vì can thiệp để khai thác thêm dầu cho thị trường và khi nhu cầu của Mỹ tăng lên.
Ngoài ra, chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội cao su – nhựa TP HCM, cho biết kinh tế thế giới đang phục hồi trong khi các thị trường cung ứng nguyên liệu cao su như Thái Lan, Indonesia… vẫn đang chịu tác động của dịch COVID-19 dẫn đến nguồn cung cao su thiếu hụt, từ đó đẩy giá cao su lên cao.
Bên cạnh đó, thông tin Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế mới của Nhật Bản tuyên bố sẽ có những hành động, chính sách táo bạo để hồi sinh nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cũng được xem là yếu tố hỗ trợ giá cao su phục hồi.
Doanh nghiệp cao su hưởng lợi nhờ giá tăng
Tại thị trường Việt Nam, giá xuất khẩu “vàng trắng” cũng có sự chuyển biến cùng chiều với thị trường thế giới. Điều này giúp các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cao su được hưởng lợi.
Cụ thể, thep số liệu của Bộ Công thương, ước tính tháng 9, giá xuất khẩu cao su bình quân đạt 1.646 USD/tấn, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 9 tháng, giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 1.669 USD/tấn, tăng hơn 29% so với 9 tháng đầu năm ngoái.
Nhờ đó, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, sản lượng bán hàng suy giảm nhưng giá bán ở mức cao đã giúp các doanh nghiệp cao su ghi nhận biên lợi nhuận cải thiện, lợi nhuận tăng trưởng mạnh.
Điển hình như Công ty CP Cao su Tân Biên (Mã: RTB) ghi nhận doanh thu quý III đạt 265 tỷ đồng, tăng 16%, lợi nhuận sau thuế gấp 3,5 lần lên 159 tỷ đồng. Hay tại Cao su Đắk Lắk (Mã: DRG) đạt doanh thu 384 tỷ đồng, tăng 47%; lãi sau thuế 31 tỷ đồng, gấp 3 lần quý III/2020.
Theo lý giải của doanh nghiệp kết quả tăng trưởng này chủ yếu nhờ giá bán mủ cao su tăng cao như TRC tăng 28,2%, đạt 38 triệu đồng/tấn, còn DRG ghi nhận mức tăng giá mũ trong khoảng 29 – 42%.
(Nguồn: Cáo cáo tài chính hợp nhất quý III các doanh nghiệp. Tổng hơp: Như Huỳnh)
Lợi nhuận doanh nghiệp cao su tăng mạnh theo giá bán. (Ảnh: GVR)
Xu hướng tăng giá sẽ tiếp diễn
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng nhu cầu thế giới về cao su tự nhiên năm 2021 sẽ tăng 9,3% so với năm 2020, lên 14,1 triệu tấn. Triển vọng được điều chỉnh là do dự đoán nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam trong năm 2021.
Dựa trên những ước tính sơ bộ từ các nước thành viên, sản lượng cao su tự nhiên thế giới được điều chỉnh lên 13,8 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Số liệu cũng cho thấy thế giới sẽ thiếu hụt 240.000 tấn cao su tự nhiên trong năm 2021.
Trước tình hình nguồn cung dự báo thiếu hụt và diễn biến giá cao su hiện nay, Chủ tịch Hội Cao su – nhựa TP HCM cho rằng giá cao su sẽ không sớm hạ nhiệt bởi các tháng cuối năm công trường ngưng cao mũ, lúc đó giá sẽ càng có điều kiện đẩy lên cao.
“Dự kiến giá cao su sẽ tăng đến hết quý I/2022”, ông Quốc Anh dự báo.
Bên cạnh đó, xu hướng tăng giá của dầu thô cũng được xem là yếu tố tiếp tục tác động đến giá cao su trong thời gian tới.
Cụ thể, Tập đoàn tài chính Bank of America dự báo giá dầu có thể cán mốc 100 USD/thùng ngay đầu mùa Đông năm nay.
Tương tự, trả lời phỏng vấn CNBC, ông John Driscoll, chiến lược gia tại JTD Energy Services, nhận định giá dầu có khả năng tiếp tục tăng mạnh khi mùa Đông đang đến gần, đạt 100 USD/thùng, nhưng mức giá đó dự kiến không kéo dài.
Còn theo Cục Xuất nhập, dự báo giá mủ cao su thế giới trong ngắn hạn sẽ có những dao động với biên độ thấp, giá chủ yếu vẫn giữ ở mức như hiện tại, ít có khả năng tăng giảm đột biến.
Trong dài hạn, các yếu tố về dịch bệnh, chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới sẽ quyết định xu hướng giá cao su.
Tại thị trường trong nước, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết sau thời gian ngưng cạo mủ do dịch COVID-19, các hộ cao su tiểu điền và các công ty, nông trường quốc doanh ở Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh đã trở lại khai thác, khi các hạn chế đi lại dần được dỡ bỏ ở những vùng xanh.
Cùng với nhu cầu nhập khẩu cao su của các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ kinh tế ở các nước này đang dần hồi phục sẽ là tín hiệu lạc quan cho việc xuất khẩu cao su Việt Nam.
Cụ thể, Bộ Công Thương dự báo Trung Quốc, thị trường tiêu thụ cao su đứng đầu của Việt Nam, chiếm trên 70% tổng lượng cao su xuất khẩu cả nước, sẽ tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng từ nay cho tới tháng 11.
Trong đó, khoảng 115.000 tấn được đáp ứng từ nguồn cung nội địa. Từ tháng 7 tới tháng 11 là giai đoạn cao điểm của sản xuất cao su tại Trung Quốc, tuy nhiên quốc gia này vẫn thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng.
Do đó, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu 1,7 triệu tấn để bù đắp mức thiếu hụt dự kiến từ tháng 9 đến tháng 12 và thêm 2 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2022. Đây được xem là yếu tố giúp giá xuất khẩu cao su Việt Nam duy trì mức cao trong thời gian tới.
Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá nguyên liệu tăng cao, tình hình vận chuyển chưa có dấu hiệu được cải thiện, tình trạng thiếu container rỗng sẽ tiếp tục diễn ra. Đồng thời, giá cước vận chuyển cao được dự báo kéo dài sang tận năm 2022 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cao su.
Ông Quốc Anh cho biết so với đầu năm, giá cao su tổng hợp đã tăng khoảng 20%. Với mức giá này, các doanh nghiệp xuất khẩu rất muốn đàm phán để nâng giá nhưng do hợp đồng đã ký kết cả năm nên không thể thay đổi dù giá nguyên liệu tăng cao.
“Từ đây đến cuối năm, các doanh nghiệp phải thực hiện xong các hợp đồng đã ký của năm nay thì sang năm 2022 mới có thể đàm phán lại mức giá mới với mức tăng tương ứng theo giá nguyên liệu”, ông Nguyễn Quốc Anh nói.
Nguồn: https://vietnambiz.vn/cao-su-tro-lai-duong-dua-tang-gia-du-bao-se-khong-som-ha-nhiet-20211019175626416.htm